Trồng cây cảnh trong nhà đang dần trở thành xu hướng, nó không chỉ giúp tăng phần thẩm mỹ cho căn nhà mà còn là nguồn sinh khí tốt theo phong thủy. Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng thích hợp để trồng trong nhà. Và liệu có nên trồng cây trầu bà trong nhà là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Trầu bà nên được trồng trong nhà hay không? Loài cây này có dễ chăm sóc và có lợi ích gì cho sức khỏe không? Hãy cùng nhau giải đáp các thắc mắc trên qua bài viết này nhé!
Tổng quan về cây trầu bà
Trước hết, để trả lời cho câu hỏi có nên trồng cây trầu bà trong nhà không, bạn cần biết rõ hơn về loài cây này và những lợi ích mà nó mang lại.
Cây trầu bà là cây gì?
Khi nhắc đến cái tên “cây trầu bà” chắc hẳn có không ít người sẽ tự hỏi rằng liệu loài cây này có giống hay có liên hệ gì với cây trầu không – loại lá quen thuộc mà các cụ ta ngày xưa hay gói để nhai trầu cau không? Thì thực ra đây là 2 loài cây khác nhau và có những đặc tính cũng khác nhau hoàn toàn.
Cây trầu bà là giống cây thuộc họ Araceae và tên khoa học gọi là Epipremnum aureum hay Golden Pothos. Trầu bà thuộc dòng thân thảo leo, thân tròn có nhiều rễ, được trồng thủy sinh hay trồng trong chậu đất dưới dạng bò leo hoặc buông xuống trên các chậu treo.
Cây Trầu Bà còn có tên gọi dân gian khác là Sắn Dây Hoàng Kim, Thạch Cam Tử hay quen thuộc nhất vẫn là cái tên cây Hoàng Tâm Diệp. Hiện nay, giống cây này được lai tạo thành nhiều giống khác nhau, nhiều màu sắc và kiểu dáng. Nhưng chung quy đặc điểm bên ngoài của trầu bà là lá đơn có hình trái tim, thuôn dài ở đỉnh, màu lá xanh bóng. Thân lá hơi dày và mọng nước, trên phiến lá rải rác có các đốm hoặc sọc màu vàng, trắng.
Lợi ích của cây trầu bà
Theo nghiên cứu, cây trầu bà có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người và cảnh quang trong nhà. Được biết ngoài khả năng lọc không khí, hít vào CO2 và thải ra Oxi trong quá trình quang hợp như mọi loại cây cảnh khác, trầu bà còn có khả năng lọc khí độc và hút bức xạ từ các đồ dùng điện tử.
Cụ thể, trầu bà có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ chất gây ung thư formaldehydes và nhiều loại chất hóa học dễ bay hơi khác như monoxide de, benzene, toluene. Thêm vào đó, một công dụng tuyệt vời khác là thậm chí trầu bà còn có thể hút bức xạ từ các thiết bị điện tử trong nhà như điện thoại, máy tính, tivi, tủ lạnh… Ngoài ra, trong y học cổ truyền cây trầu bà còn biết đến với khả năng hỗ trợ điều trị bệnh thận rất tốt. Loài cây này cũng chính là một thành phần có thể điều chế ra loại thuốc có tác dụng bổ thận, tráng dương.
Trong phong thủy cây trầu bà biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Trồng cây trầu bà trong nhà sẽ mang đến cho gia chủ nhiều thành đạt, may mắn và bình an. Người ta xem trầu bà như một quý nhân phù trợ, trồng cây trầu bà trong nhà nhà giúp gia chủ tránh được điều xui hay thị phi trong cuộc sống.
Là loài cây tượng trưng cho tài lộc, may mắn và thịnh vượng, trầu bà tượng trưng nhiều trên bàn làm việc của các vị lãnh đạo, giám đốc hay quản lý. Với ngụ ý giúp họ nhanh chóng thăng tiến và vươn đến đỉnh cao trong sự nghiệp. Đặc biệt, cây trầu bà được xem là loài cây hợp với mệnh Mộc và Thổ, không những kích thích sự phát triển cho những người này mà còn giúp khắc chế được những khuyết điểm, hạn chế của họ.
Có nên trồng cây trầu bà trong nhà không?
Với tất cả những thông tin trên, tin chắc rằng bạn đã có thể tự mình trả lời cho câu hỏi có nên trồng cây trầu bà trong nhà hay không. Và nếu như quyết định trồng cây trong nhà thì vị trí trồng nào là phù hợp, cách chăm sóc hay cần lưu ý thêm điều gì không?
Cách chăm sóc cây trầu bà
Tuy hiện nay trầu bà có khá nhiều loại nhưng chủ yếu quy về 2 cách trồng là nuôi thủy sinh (trồng trong nước) hoặc nuôi trong chậu đất và để trầu bà leo theo giàn hay trồng trong các chậu treo cây leo như bình thường. Tốc độ sinh trưởng của cây trầu bà khá nhanh, cây dễ chăm sóc và xanh tốt quanh năm.
Vì đặc tính háo nước và ưa bóng râm nên bạn có thể trồng thủy sinh trong những chậu thủy tinh nhỏ và đặt trên bàn làm việc hoặc trồng trong bể cá giúp loại bỏ bớt natri trong nước. Khi trồng thủy sinh bạn nhớ phải bạn thay nước 1 tuần 1 lần và có thể bón thêm phân bón để cây phát triển tốt.
Cây trầu bà ưa bóng râm, chịu bóng bán phần nhưng lại là loài cây không chịu được lạnh. Nhiệt độ thích hợp cho trầu bà sinh trưởng tốt là khoảng từ 15 độ C đến 30 độ C. Nếu trồng trong phòng làm việc, bạn nên thỉnh thoảng phơi nắng để cây trầu bà được quang hợp đầy đủ. Nếu trồng ngoài ban công thì nên có mái che và tưới nước thường xuyên tránh tình trạng khô vàng và cháy lá.
Lưu ý khi trồng cây trầu bà trong nhà
Được biết với nhiều công dụng tốt là vậy, tuy nhiên cũng còn một lưu ý vô cùng quan trọng mà bạn cần phải lưu ý. Đó là nên đặt cây trầu bà ở những vị trí xa tầm với trẻ em hay chó, mèo, thú cưng trong nhà. Vì nếu chẳng may ăn phải lá trầu bà thì sẽ rất nguy hiểm. Lá và thân cây trầu bà có calcium oxalate là chất độc có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng nếu như ăn phải.
Qua bài viết, chúng ta có thể trả lời câu hỏi “có nên trồng cây trầu bà trong nhà không?“. Có thể thấy, trầu bà không chỉ giúp tô điểm cho không gian sống của bạn thêm xanh mà còn là loài cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tốt cho phong thủy. Vậy có nên trồng cây trầu bà trong nhà không, chắc hẳn bạn đã trả lời được.